Sáng ở quê ngoại về, chiều gặp nạn dưới sông
Những ngày này, căn nhà cấp bốn chật chội của anh Hoàng Minh Tuyền (SN 1984, ở khu Xuân Dương, phường Tứ Minh, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) chìm trong không khí tang thương và đau buồn. Gần một tuần qua, nỗi đau người con gái lớn H.T.Đ (SN 2005) bị tử nạn dưới sông Sặt khiến anh cùng người thân trong gia đình như chết lặng.
Thắp nén hương lên bàn thờ của người con gái xấu số, hai khóe mắt anh lại nhòa lệ và nói nghẹn ngào: “Tôi không thể ngờ rằng, chuyến về quê ngoại chơi để trước khi các con của tôi vào năm học lại là lần cuối cùng bố con được ở bên nhau. Càng nghĩ đến lúc cháu nằm dưới lòng sông qua đêm lạnh lẽo, tôi chỉ biết khóc và cầu mong linh hồn con sớm siêu thoát”.
Anh Tuyền đau xót bên di ảnh của con gái xấu số. Ảnh: Đức Tùy
Anh Tuyền đau xót bên di ảnh của con gái xấu số. Ảnh: Đức Tùy
Theo lời kể của anh Tuyền, vì các con sắp hết kỳ nghỉ hè bước vào năm học mới nên anh đưa các con về quê ngoại tại huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) chơi. Đến sáng 31/8, anh lại đưa các con về nhà sớm để sáng hôm sau các cháu đến trường. Sau khi các con về nhà, anh bận đi công chuyện và đến khi về đến cổng thì phát hiện sự việc cháu Đ gặp nạn dưới sông Sặt.
Sau khi nhờ người tìm kiếm không được, gia đình quyết định thuê đội tìm thi thể ở TP Hải Phòng và những người làm nghề thuyền chài quanh khu vực. Do vị trí cháu Đ gặp nạn có nhiều bèo tây dày đặc và đây là đoạn sông bị hút cát nên có nhiều hõm sâu vì vậy đến khoảng 6h sáng hôm sau mới tìm được thi thể cháu.
Từ hôm xảy ra chuyện đến nay, bà Lưu Thị Dưỡng (57 tuổi, bà nội cháu Đ) khóc cạn nước mắt vì nhớ thương và xót xa cho người cháu gái chịu nhiều thiệt thòi. Bà kể, khoảng 13h chiều sau khi ba chị em từ quê ngoại về, lúc các cháu ngủ trưa thì bà đi phụ vữa gần khu vực cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Trước khi đi, bà dặn cháu Đ ra khóa cổng, ở nhà trông em và nghỉ ngơi cho đỡ mệt để mai đến trường học.
Tuy nhiên, khi bà đi được một lát, 3 chị em Đ cùng một người em họ con chú và cháu hàng xóm rủ nhau ra sông Sặt (cách nhà khoảng 800m) tắm. Ra đến đoạn bờ sông, tất cả các cháu xuống tắm được một lúc thì 3 cháu lên bờ trước. Lúc này, nhìn thấy em trai út (tên là Tiến) có biểu hiện bị đuối nước nên Đ đẩy em lên bám vào đám bèo tây, còn bản thân Đ bị hẫng chân thụt xuống hố mất tích. Thấy vậy, 2 cháu đứng trên bờ chạy về báo người thân ra cứu được cháu Tiến, còn cháu Đ không tìm thấy đâu.
Linh cảm lạ
Sau khi con gái mất, chưa lúc nào anh Tuyền nguôi ngoai nỗi đau và mỗi khi nhớ về con gái đầu lòng, anh lại khóc. Trong nỗi buồn ấy, anh luôn xót xa khi các con của mình không bằng bạn bè cùng trang lứa do hoàn cảnh quá khó khăn. Thậm chí, trong ngày con gái gặp nạn, vợ anh cũng không thể về cùng anh lo hậu sự cho con do công việc bên xứ người không cho phép.
Nhớ lại sự việc hôm cháu Đ gặp nạn, anh Tuyền cảm thấy như có một sự trùng lặp nào đó anh luôn có linh cảm lạ từ chuyến xe về thăm gia đình ngoại. Bình thường, trong những lần về quê ngoại chưa khi nào bị say xe và khi đi về xe đều nghỉ giữa đường, nhưng đối với chuyến xe này thì lại khác. Anh Tuyền kể: “Thông thường, trước khi từ gia đình ngoại về, tôi gọi điện cho nhà xe xem mấy giờ qua để đón, nhưng lần này vì sợ ngày hôm sau các con đến trường mệt nên khoảng hơn 5h sáng hôm đó, tôi đã gọi các con dậy và khi được anh rể, bố vợ đèo ra bắt xe thì xe khách vừa đến. Quãng đường dài hơn 100km như vậy mà nhà xe chạy không nghỉ, chỉ sau có 2h, bốn bố con tôi đã về đến TP Hải Dương và ai cũng bị say”.
Nói về nơi cháu Đ gặp nạn, bà Dưỡng không hiểu tại sao lúc cháu bị tử vong thì bèo tây còn dày đặc, nhưng đến hôm sau, chỗ đó lại quang đãng, thậm chí vị trí tìm thấy thi thể cháu Đ nhiều lần người thân lặn mò không thấy mà đến hôm sau đội thợ thuê vớt được cách bờ khoảng 3,5m.
Anh Tuyền cho biết thêm, gia đình anh có 2 anh em trai và anh là con lớn. Học hành dở dang, anh vào miền Nam xin việc làm thuê mong có cuộc sống tốt đẹp. Tại đây, anh gặp kết hôn với chị Phạm Thị Nương (SN 1986, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) cũng vào đây làm công nhân và các con của vợ chồng anh lần lượt chào đời. Vốn kinh tế khó khăn, nên khi có con nhỏ cuộc sống của hai vợ chồng càng thiếu thốn. Sau nhiều lần vào Nam ra Bắc tìm việc làm và cuối cùng vợ chồng bàn nhau về quê lập nghiệp. Lúc này, anh Tuyền đi làm thợ cơ khí cho một cửa hàng gần nhà, còn chị Nương làm tự do.
Cách đây khoảng 2 năm, gia đình anh Tuyền vay chạy tiền cho chị Nương đi nước ngoài lao động và đến nay số tiền này vẫn chưa trả hết. Tuy nhiên, khi sang nước ngoài được thời gian, công việc của vợ gặp trục trặc và đồng lương thấp, vì vậy khi cháu Đ xảy ra việc, chị chỉ biết khóc thương còn không thể về nhà cùng chồng lo hậu sự. Anh Tuyền nghẹn ngào: “Cuộc sống bình thường của bố con đã khốn khó, nhiều lần đến ngày đóng tiền học cho các cháu mà gia đình đều phải xin khất lại. Cho nên, khi con gái gặp nạn, toàn bộ chi phí thuê người tìm, lễ tang… đều nhờ anh em, họ hàng cho vay mượn, còn bản thân gia đình không có đồng nào. Càng nghĩ, càng thấy tủi cực”.