Chiều 6/9, nhóm chuyên gia độc lập bao gồm 6 thành viên đến từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã công bố bảng xếp hạng cơ sở giáo dục Việt Nam năm học 2016 – 2017. Trong đó có 49 đại học đã được xếp hạng, dựa trên thông tin từ 100 trường trong cả nước.
Thứ tự các trường trong bảng xếp hạng này mang đến nhiều bất ngờ. Đứng đầu danh sách là Đại học Quốc gia Hà Nội. Những trường thuộc hệ thống ĐH Quốc gia đều nằm trong top 10.
Đáng chú ý là các trường mới thành lập lại có vị trí cao. ĐH Tôn Đức Thắng đứng thứ hai, ĐH Duy Tân xếp thứ chín. Các trường thuộc địa phương như ĐH Cần Thơ xếp thứ 6, ĐH Huế xếp thứ 8, ĐH Vinh thứ 21.
Những trường có điểm đầu vào thuộc hàng top không nằm ở những vị trí cao như tưởng tượng của nhiều người. Y Hà Nội nằm ở vị trí 20, Ngoại thương nằm ở vị trí 23 và Dược Hà Nội vị trí 35.
HV Nông nghiệp đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng.
Trong khi đó, những trường đặc thù lại có vị trí cao trên bảng xếp hạng. HV Nông nghiệp đứng ngay thứ 3, Sư phạm Hà Nội xếp thứ 10, Sư phạm Hà Nội 2 ở vị trí 13, Lâm nghiệp vẫn có mặt trong top 20, đứng ở vị trí 15, còn cao hơn Y Hà Nội.
Ba tiêu chí để các thành viên xếp hạng trường ĐH bao gồm: Các công trình nghiên cứu khoa học (40%), chất lượng giáo dục đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%).
Tuy nhiên, TS. Lưu Quang Hưng - chủ biên của bảng xếp hạng nhấn mạnh, bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa tham khảo bởi có những tham số không thể định lượng được. Thứ hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng của cơ sở giáo dục.
Bảng xếp hạng 49 ĐH Việt Nam được công bố đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cảm thấy khó tin với độ chính xác của bảng xếp hạng này khi những trường có điểm đầu vào cao top đầu lại có vị trí thấp, trong khi đó những trường có điểm đầu vào thấp hơn lại có vị trí cao. Trong đó có ý kiến chia sẻ họ chưa từng nghe tới tên ĐH Duy Tân vì ngôi trường này quá mới nhưng lại nằm ngay trong top 10. "Bạn tôi thi Duy Tân chỉ vừa qua điểm sàn, vậy mà giờ trường còn có vị trí cao như vậy, thật khó tin", Thanh Lan bình luận.
"Không hiểu mấy trường như Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Sư phạm... sinh viên ra trường xin được việc thấp hơn các trường khác mà được xếp hạng cao thế nhỉ?", Huy Hiếu đưa ra ý kiến.
Nhiều người vẫn đánh giá cao những trường giàu truyền thống như Y, Dược, Bách khoa hơn là dựa theo bảng xếp hạng. "Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa vẫn chưa sai. Cũng không thể tin nổi Ngoại thương, Y Dược lại xếp hạng thấp thế này", người dùng facebook có tên B.M bày tỏ quan điểm và nhận được nhiều ủng hộ.
Tiêu chí đánh giá trường cũng bị cho rằng hơi khó hiểu và chưa cụ thể. Chẳng hạn như tiêu chí Chất lượng giáo dục đào tạo chiếm 40% kết quả đánh giá không biết dựa trên những số liệu nào.
Thành viên một diễn đàn mạng đưa ra thắc mắc: "Không thấy nói đến chất lượng sinh viên (thể hiện qua điểm chuẩn đầu vào) nhỉ?".
Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng nhiều người thấy bảng xếp hạng này có vấn đề vì lâu nay chỉ nhìn chất lượng đại học là ở điểm đầu vào của trường. Còn ở đây bảng xếp hạng có tiêu chí riêng. Có những tiêu chí chỉ đếm được bằng con số cụ thể, thế nên mới có kết quả như vậy.
Nhiều trường ĐH có tiếng như Kinh tế quốc dân hay Ngoại thương, điểm đầu vào cao nhưng thành tích nghiên cứu khoa học thể hiện qua tạp chí khoa học quốc tế ít, mà tiêu chí này lại chiếm tỉ trọng đánh giá cao nên nhiều trường như Duy Tân lại vọt lên.