Chúng tôi gặp ông Nguyễn Anh Phương, Trưởng phòng Phật giáo Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc (người thứ 3 từ phải sang - Ảnh: Lê Hoàn) cùng đoàn công tác đã đến chùa chúc mừng Thượng tọa Thích Giác Minh trụ trì chùa Tích Sơn và tặng quà nhà Chùa nhân Lễ Phật đản.
Xem thêm:
+ Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức - đóa sen bát nhã giữa mây trời Sông Lô
+ Chùa Hoa Dương - một di tích có kiến trúc độc đáo từ thời Hậu Lê
+ Chùa Báo Ân ở Vĩnh Phúc – Ngôi chùa cổ duy nhất từ thời nhà Lý
Thượng tọa Thích Giác Minh cảm ơn Ban Tôn giáo của tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm đến tăng ni phật tử của tỉnh, đặc biệt là chùa Tích Sơn. Rất mong được sự quan tâm của tỉnh giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất, phật sự của chùa Tích Sơn.
Ông Nguyễn Anh Phương, Trưởng phòng Phật giáo Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc (người thứ 3 từ phải sang - Ảnh: Lê Hoàn) cùng đoàn công tác đã đến chùa chúc mừng Thượng tọa Thích Giác Minh trụ trì chùa Tích Sơn và tặng quà nhà Chùa nhân Lễ Phật đản
Trong bài “Vĩnh Phúc: Linh nghiệm Nhà lưu niệm Bác Hồ tại TP Vĩnh Yên và thỉnh nguyện!” phát trên Vanhien.vn ngày 7/5/2017 đã giới thiệu ngôi chùa thiêng Tích Sơn được xây dựng từ cuối nhà Lý đầu nhà Trần, cách nay cả nghìn năm, là một trong những ngôi chùa cổ trên đỉnh đồi vùng đất thiêng tại phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tên tự gọi chùa này là “Ngũ Phúc Tự” hay còn gọi là Chùa Phúc của 5 làng Tích Sơn cổ (gồm làng Tiếc, làng Hạ, làng Khâu, làng Đậu, làng Sậu).
Các Phật tử chiêm bái tại chùa Tích Sơn - TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)
Thời Hậu Lê, chùa Tích Sơn cũ được trùng tu, đổi lại tên là “Sơn Tuyền Tự” vẫn còn lưu trên cây Hương Đá tại chùa hiện nay. Đến triều Nguyễn quay lại tên cũ là “Ngũ Phúc Tự”.
Thượng tọa Thích Giác Minh (bên phải) giới thiệu với PV Vanhien.vn Cây Hương Đá có từ thời Hậu Lê đặt trước chính điện của chùa Tích Sơn. Ảnh: Lê Hoàn
Theo sử sách còn ghi, Năm 1890, thực dân Pháp đến chiếm đóng tại chùa Tích Sơn cũ, lấy đất chùa cũ xây dựng tòa nhà quan Chánh xứ cai quản tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Phúc). Chùa phải di chuyển về vị trí hiện nay cũng trong thành phố Vĩnh Yên nhưng thuộc phường Tích Sơn, cách vị trí cũ hơn 1 Km. Đây là ngôi chùa duy nhất được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia tại thành phố Vĩnh Yên từ năm 1992.
Chùa thiêng Tích Sơn điểm du lịch văn hóa tâm linh
Theo các cụ cao niên kể lại, quan Chánh xứ Pháp cai quản tỉnh Vĩnh Yên sau khi phá chùa Tích Sơn cũ xây tòa Chánh xứ chỉ được mấy năm rồi bị bệnh nặng, hộc máu mồm chết. Một số quan Chánh xứ Pháp tiếp theo đến cai trị ở ngôi nhà Chánh xứ này cũng không thọ được lâu, thường lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử. Dân ta khi đó cho rằng do quan Chánh xứ Pháp phá chùa thiêng xây trụ sở bị trời phật quở phạt nên mới ra nông nổi “sát chủ” như thế!
Về ngôi chùa thiêng bị quan Chánh xứ Pháp trước đây phá để xây trụ sở công sứ phải chuyển đến địa điểm mới tọa lạc trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng có hình thế đẹp nằm trong khu vực trung tâm của thành phố Vĩnh Yên - tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Phúc. Lúc đầu Chùa được xây dựng quy mô hoành tráng gồm có tam quan, gác chuông, 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, hành lang chữ V theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”.
Trong kháng chiến chống Pháp đến nay, chùa Tích Sơn đã từng được sử dụng làm nơi hội họp bí mật, làm trường học phổ thông, làm trụ sở ủy ban hành chính, làm sân phơi HTX, làm trụ sở HTX nông nghiệp, làm nhà trẻ mẫu giáo. Cho đến nay vẫn còn một số công trình (trường mẫu giáo, nhà trẻ, HTX nông nghiệp) còn tồn tại trên đất chùa trở thành chứng tích một thuở.
Pho tượng nguyên khối bằng gỗ mít không nhìn thẳng mà nhìn nghiêng rất độc đáo tại chùa Tích Sơn. Ảnh: Lê Hoàn
Hướng dẫn chúng tôi đi thăm chùa, Thượng tọa Thích Giác Minh cho biết: Chùa Tích Sơn từ 2.700 m2 đến năm 2010, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất chùa mở rộng lên 9.000 m2 gần bằng khuôn viên chùa cũ trước đây. Những năm qua, được lãnh đạo tỉnh cho phép, bằng phương thức xã hội hóa, chùa đã huy động được hơn 42 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo, xung quanh chùa đều được xây tường bao quanh kín đáo, từ cổng chính đi qua một khoảng sân rộng, đến giữa sân là nơi đặt cây Hương Đá (cổ vật có từ thời Hậu Lê). Phía trước thượng điện có treo bức đại tự “Ngũ Phúc Tự” là nơi thờ chính của chùa.
Chùa Tích Sơn có quy mô đồ sồ với nhiều kiến trúc nối liền nhau như tam quan, gác chuông, nhà Tổ, chính điện và mộ tháp, tất cả tạo nên một hệ thống chùa Tích Sơn thiêng liêng, bề thế. Chính điện của chùa Tích Sơn có kiến trúc hình chữ đinh, với hệ thống cột bằng gỗ và gạch xây. Mái của chính điện được nối liền nhau bởi nhiều loại gỗ quý được bào nhẵn, làm nên chính điện vững chắc. Nổi bật ở chính điện là hệ thống thờ, nơi đây còn lưu giữ 16 bức tượng bằng gỗ và đồng. Các pho tượng đươc bầy nhiều lớp cao dần về phía trong thượng điện và hậu cung, tượng trưng cho từng bước lên cõi Niết Bàn của Phật. Bên trái tiếp giáp với chùa chính là nhà Tổ cũng quay theo hướng đông nam.
Đặc biệt phải kể đến bức tượng Phật A Di Đà bằng đồng nguyên khối cao 1 mét, ở tư thế ngồi thiền, trên tòa sen toát lên vẻ cân đối, hài hòa, thể hiện sự tinh xảo. Bên cạnh đó ở chùa Tích Sơn còn có một một chuông đồng được đúc năm Minh Mệnh thứ 12 (tức năm 1832) và một khánh đồng cổ là những cổ vật quý còn lưu giữ được với nhiều giá trị lịch sử.
Trong những thời kỳ lịch sử đánh đuổi giặc ngoại xâm, chùa Tích Sơn còn là nơi cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ cách mạng, là nơi hội họp của các cơ sở cách mạng.
Do vậy, Chùa Tích Sơn không chỉ là 1 nơi thờ phật mà còn là di tích lịch sử văn hóa mang đậm dấu ấn di tích cách mạng. Chùa được tạo dựng đồ sộ, kiến trúc phù hợp với chức năng, giá trị nghệ thuật tạo hình điêu khắc được tập trung thể hiện trên các pho tượng và các di vật còn lưu giữ được ở trong chùa.
Tam quan chùa Tích Sơn mới được khôi phục lại. Ảnh: Lê Hoàn
Để nhớ ơn các bậc tiền nhân đã dày công gây dựng và tôn tạo chùa Tích Sơn trong nhiều giai đoạn, trải qua các thời kỳ, hàng năm ngày mồng 2 tháng Giêng nhân dân trong vùng lại mở tiệc chùa. Ngày 10 tháng Giêng hàng năm mở hội chùa, nhân dân và khách thập phương xa gần lại nô nức tới dâng hương lễ Phật, tưởng niệm chư vị tổ sư của chùa, tạ ơn Trời Đất. Những hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống đã làm cho giá trị và bản sắc dân gian lễ hội chùa Tích Sơn ngày càng thêm phong phú.
Hiện nay, chùa Tích Sơn được lãnh đạo tỉnh cho phép lập dự án quy hoạch tổng thể nhằm tiếp tục trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn cổ vật, là nơi của nhiều tăng ni, phật tử học tập và nơi của người dân hành hương.
Trong tương lai chùa Tích Sơn sẽ khang trang hơn, góp phần xây dựng nếp sống văn hoá truyền thống ở địa phương, tôn vinh giá trị những di tích lịch sử quốc gia, là điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển chung.